Gia đình 3 thế hệ với nghề tạc tượng gỗ dân gian
5-12-2018

Già A Chreng hướng dẫn con và cháu tạc tượng gỗ dân gian

Đã qua 84 mùa rẫy, già A Chreng, ở làng Kon H’Drế, xã Ngọc Réo không còn nhớ mình đã được ông và cha mình truyền nghề lại như thế nào, chỉ biết rằng thanh niên trong làng ai ai khi đến cái tuổi "bẻ gãy sừng trâu", thì đều có thể tạc được những bức tượng đơn sơ, mô tả cuộc sống bình dị của bà con.

Già A Chreng cho nói: Giờ thì già đã có thể yên tâm khi nghề tạc tượng gỗ truyền thống của gia đình đã được truyền lại cho người con trai A Gyor. Thời ông bà già trước kia thì làm tạc tượng gỗ không cầu kỳ như bây giờ, hình dáng tượng đơn giản, không cầu kỳ, màu mè, chủ yếu là thể hiện hình dáng của con người thôi. Tượng làm ra được đặt xung quanh nhà mồ, nhà rông với đủ khuôn mặt thể hiện tình cảm, trạng thái của con người. Bây giờ thì con cháu tạc hình tượng phong phú, đa dạng hơn với nhiều hình dạng khác nhau, màu sắc cũng nhiều hơn, đẹp hơn, không chỉ đơn thuần là con người với các hoạt động thường ngày mà còn cả con vật, vật dụng sinh hoạt...
 
Là thế hệ thứ hai trong gia đình gắn bó với nghề tạc tượng gỗ dân gian, ngay từ khi còn bé, anh A Gyor đã bị hút hồn bởi vẻ đẹp thô sơ nhưng gần gũi với cuộc sống của bà con dân làng. Những bức tượng gỗ ấy trở nên có hồn và khiến anh thích thú, tự mày mò học hỏi. Đến năm 18 tuổi, anh đã có thể thành thạo, tạc được những bức tượng mang nhiều biểu cảm chân thực, sống động.
 
Nghệ nhân A Gyor vui mừng nói:“Tôi rất cảm ơn cha đã chỉ bảo, truyền lại nghề tạc tượng gỗ truyền thống này cho tôi. Tôi cũng cố gắng luyện tập sao cho tay nghề càng giỏi, làm các tượng ngày càng đẹp hơn. Để làm thay cho cha, giữ gìn và tiếp nối nghề; rồi tiếp tục truyền lại cho con. Con trai tôi mặc dù tay nghề chưa được giỏi nhưng đã có thể phụ giúp cho tôi trong một số công đoạn”.
 
Đã hơn 20 năm theo đuổi nghề tạc tượng gỗ truyền thống, tay nghề của anh A Gyor cũng ngày được nâng lên. Anh cũng không nhớ mình đã tạc được bao nhiêu tượng gỗ, vì ngoài những bức tượng bà con tại các làng đặt làm để đặt ở nhà mồ, nhà rông, những năm gần đây, anh còn nhận đơn đặt hàng của khách ở tận các thành phố lớn với các mặt hàng phong phú, đa dạng, chủ yếu là các vật dụng dùng trong sinh hoạt gia đình.
 
Nghệ nhân A Gyor cho biết: “Có rất nhiều người đặt làm tạc tượng gỗ, bản thân phải tự tìm tòi suy nghĩ làm sao để có thể tạc được những bức tượng gỗ có hồn, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.
 
Động lực để anh A Gyor tiếp tục theo đuổi nghề tạc tượng gỗ truyền thống này, chính là niềm tự hào khi người con trai A Đỏ 14 tuổi của anh cảm thấy thích thú, chịu khó học hỏi. Nhờ được anh truyền dạy đã tạc được những tượng gỗ đơn giản, tay nghề dần trở nên khá hơn.
 
A Đỏ - con trai nghệ nhân A Gyor thủ thỉ: “Truyền thống của cha ông bây giờ được truyền lại cho con. Được ông, được cha truyền dạy con sẽ cố gắng giữ nghề. Cố gắng học, rèn luyện tay nghề sao cho làm càng đẹp, càng giỏi, ngoài góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, còn phụ giúp cha kiếm thêm tăng thêm thu nhập từ các món đồ gỗ được khách hàng đặt”.
 
Già A Chreng phấn khởi lắm, nói đi nói lại "Mình vui lắm khi con cháu tâm huyết muốn giữ lại cái nghề này. Mình luôn động viên các con phải cố gắng học hành chăm chỉ, rèn luyện tay nghề để giữ lại truyền thống mãi mãi".

 Bên cạnh văn hóa chiêng xoang, nhạc cụ dân tộc, thì nghề tạc tượng gỗ đang được các cấp chính quyền xã Ngọc Réo nỗ lực bảo tồn và giữ gìn. Tích cực tuyên truyền, vận động để các gia đình tự ý thức giữ gìn lại nét văn hóa truyền thống, truyền dạy lại cho các thế hệ sau cùng tiếp nối.

Gia đình già A Chreng với tác phẩm vừa hoàn thành

Anh U Rơp - Cán bộ Văn hóa xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao việc giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc của gia đình già Chreng. Minh chứng cụ thể nhất là việc truyền dạy nghề tạc tượng gỗ dân gian cho các con, các cháu của gia đình này. Cứ cha truyền con nối. Chúng tôi rất mừng và cũng đã khuyến khích, động viên bà con trong làng học hỏi; nhờ các nghệ nhân hướng dẫn, nhất là các cháu nhỏ trong làng. Văn hóa dân tộc chắc chắn được phát triển bền vững”.

Gia đình già A Chreng, anh A Gyor và cháu A Đỏ - Cả ba thế hệ với lối sống và suy nghĩ khác nhau, nhưng họ có cùng chung niềm đam mê tạc tượng gỗ dân gian truyền thống, cho dù là hoài niệm, nhiệt huyết hay chỉ là yêu thích thì cũng đã góp phần giữ lại nghề, giữ lại một phần văn hóa của cộng đồng dân tộc Xê Đăng Xơdră./.

Nguồn: Dương Nương - Cổng TTĐT tỉnh Kon Tum

Số lượt xem:1040