A Thăk - Nghệ sĩ của núi rừng
18-3-2021

Đã có những bài viết khắc họa về một A Thăk (làng Ba Cheng, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà) đam mê văn hóa dân gian, nhiệt tình truyền dạy cồng chiêng... Dưới góc độ của bài viết này, tôi xin được nhìn ông với tư cách người nghệ sĩ nặng nghĩa tình với văn hóa dân tộc Ba Na.

“Nguồn mạch” nuôi dưỡng

Kể từ lần gặp đầu tiên, khi nghệ sĩ A Thăk trở về làng Kon Trang Long Loi – nơi chôn nhau cắt rốn của mình- cùng bà con náo nức đón nhận bộ cồng chiêng do Phòng Văn hóa thông tin huyện trao tặng, tôi như bị ông “thôi miên”.

Khá lâu sau, tôi tìm về làng Ba Cheng thăm ông. Khi nghe tôi báo đến thăm, A Thăk ra tận đầu làng để đón. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, rồi ông đon đả mời tôi về nhà.

Ở Ba Cheng, A Thăk sống cùng vợ chồng người con gái út trong ngôi nhà tái định cư. Trải nệm trên nền bê tông, ông ân cần rót nước mời tôi và cùng nhau hàn huyên.

Dưới nắng chiều vàng vọt hắt qua cửa sổ, tôi ngồi nhìn A Thăk mà như đang xem bức chân dung đẹp của một họa sĩ. Với mái tóc uốn lượn bồng bềnh, vóc dáng mảnh khảnh, giọng nói trầm ấm, cặp mắt hiền từ, tính tình đôn hậu, con người ông toát lên phẩm chất của người nghệ sĩ của núi rừng.

A Thăk giới thiệu đàn và các vật liệu gia đình làm bằng tre nứa. Ảnh: V.N

Song bản chất nghệ sĩ và lòng đam mê với các giá trị văn hóa dân tộc Ba Na (nhánh Rơ Ngao) không phải bỗng dưng tự có mà nó được nuôi dưỡng từ “mạch nguồn” văn hóa truyền thống giàu có, và từ cha ông- già A Phết tài hoa, đam mê dân ca, nhạc cổ.

A Thăk kể: Hồi còn nhỏ, tôi thường theo ông già nghe hát giao duyên, hát dân ca, đánh cồng chiêng trong các lễ hội hay chơi các nhạc cụ khác như ting ning, t’rưng... Về các loại đàn thì ông già không bày vẽ nhiều, tôi nhìn ông chơi đàn mà nhập tâm và tự học. Còn việc đánh cồng chiêng, ông chỉnh sửa bước chân đi và gõ nhịp chiêng cho phù hợp đội chiêng một vài lần là nhớ và thành thạo.

“Ông già cái gì cũng rành, dân làng kính trọng và nhiều người mê... Ngồi nghe ông hát, chơi đàn, đánh cồng chiêng, múa xoang, ngấm vào trong lòng mình lúc nào không hay. Mang nguồn gen của ông già và được đắm mình trong sinh hoạt cộng đồng, mình đến với văn hóa – nghệ thuật như một lẽ tự nhiên”– A Thăk hồi tưởng.

Sẽ là thiếu sót, nếu không nói về mảnh đất nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ của A Thăk. Trong làng Kon Trang Long Loi, nơi ông lớn lên, có con suối Đăk Uy chảy ngang qua trước khi hòa chung vào dòng sông Pô Kô. Trên dòng suối lại có thác nước (cao khoảng 5 mét, dài 15 mét) Tơ Na Rơ De Rơ (có nghĩa là thác cây nứa) rất đẹp. Dòng thác ngày đêm đổ nhịp, quanh thác là rừng nứa tự nhiên.

“Ngày trước, thác nước ở làng còn nguyên sơ, đẹp, nước trong, dân làng thường ra đây tắm giặt và lấy nước. Những đêm trăng sáng, trai gái trong làng thường ra đây hóng mát và tình tự”- A Thăk nhớ lại. 

A Thăk gảy đàn ting ning. Ảnh: VN

Nước ở thác chảy trên bậc đá, vang vọng vào vách đá và rừng nứa tạo ra những cung bậc âm thanh khác nhau như bản hòa tấu của thiên nhiên làm say đắm lòng người. Sự nhạy cảm với các cung bậc của âm thanh sông nước, núi rừng cùng với giọng ca và khả năng thẩm thấu âm nhạc khiến tiếng đàn t’rưng, ting ning của A Thăk ngân lên rất tự nhiên và hút hồn.

Ước vọng đẹp

Bên tách trà chiều muộn, tôi ngồi nghe A Thăk kể lại quãng đời làm nghệ thuật của mình. Được nuôi dưỡng từ mạch nguồn quê hương, được thừa hưởng khiếu âm nhạc từ cha, nghệ sĩ A Thăk luôn sống hết mình với niềm đam mê văn hóa dân tộc. “Hữu xạ tự nhiên hương”, từ khi chưa tách tỉnh Gia Lai – Kon Tum, A Thăk đã được mời làm việc ở Đoàn Nghệ thuật Đam San. Sau khi thành lập lại tỉnh Kon Tum, ông tham gia nhóm ca khúc chính trị được 8 năm, khi huyện Đăk Hà được thành lập, ông về công tác ở Phòng Văn hóa thông tin huyện được 5 năm. Sau đó lại về Đoàn ca múa nhạc Đăk Bla xanh được 5 năm rồi nghỉ. 

Theo ông Trần Anh Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao – Du lịch và Truyền thông huyện Đăk Hà, dù ở đâu và khi nào, A Thăk cũng sống hết mình vì nghệ thuật.

Nghệ sĩ A Thăk truyền dạy đàn t’rưng cho thế hệ trẻ. Ảnh: V.N

Ông gắn bó “máu thịt” nhất với dân ca và cồng chiêng. Về dân ca, ông thuộc rất nhiều bài hát dân ca Ba Na, như Ru em (lonnót), Em gọi anh đi (ót krao dá brut), Anh hãy đi với em (ot krao da), Đuổi thú ngoài rừng (bot met gung), Đừng có cho em vào (đa rơ kieng)... Nghệ sĩ bảo, ngày còn trẻ, việc hát dân ca và đam mê dân ca như cơm ăn, nước uống, không thể thiếu được. Ngoài dân ca Ba Na, ông còn thuộc nhiều bài dân ca Ê Đê, Gia Rai, Xơ Đăng, Giẻ-Triêng.

Thấy cây đàn ting ning treo trên tường, tôi bày tỏ ước muốn được thưởng thức tiếng đàn của ông. A Thăk cười hiền, gỡ đàn xuống và gảy nhẹ. Dòng âm thanh vang lên, lúc trầm bổng như chiêng ngân, khi rộn ràng náo nức như dân làng đang vào hội, lúc réo rắt như chim hót, khi quấn quýt như gió ngàn thổi qua mái nhà rông...

Nghe già A Thăk chơi đàn, các cháu trong làng ngừng vui đùa, tìm đến vây quanh. Đứa nào đứa nấy đều mê mẩn với tiếng đàn. Các cháu muốn tìm hiểu, nghệ sĩ lại chỉ bảo tận tình. “Cháu muốn sau này mình cũng đánh được các loại đàn như ông”- A Toàn ngồi nghe ông đánh đàn và bộc bạch. 

Lo lắng mai này lớp trẻ quên đi các loại nhạc cụ dân tộc, A Thăk tự tay chế tác nhiều loại nhạc cụ để trưng bày, và truyền dạy khi có nhu cầu. “Lớp trẻ bây giờ lo làm kinh tế, ít quan tâm đến nhạc cụ dân tộc. Không truyền dạy, không lưu giữ, sợ mai này trong làng, trong xã... sẽ không còn ai biết chơi các loại đàn này. Ngay cả các điệu chiêng, nếu không truyền dạy cũng có nguy cơ bị thất truyền”- nghệ sĩ A Thăk giãi bày.

Từ ngày về hưu đến nay, nghệ sĩ A Thăk đã tham gia 6 lớp dạy cồng chiêng. Ông dạy cồng chiêng, đàn không phải vì vấn đề thu nhập, bởi kinh phí hỗ trợ cho các lớp học không đáng là bao, mà là vì lo vốn văn hóa quý của dân tộc thất truyền. “Có làng trước đây không có đội cồng chiêng, không có ai biết chơi cồng chiêng, qua việc truyền dạy, các làng đã khôi phục lại được đội cồng chiêng” – ông vui mừng chia sẻ.

Khi làng có lễ, có hội, như cúng giọt nước, mừng lúa mới, nhà rông, A Thăk cũng là người tường tận các nghi thức. Nên ông thường đứng vai trò chủ tế, cúng mời Giàng, mời các vị thần.

“Thông qua việc góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và thực hiện các nghi thức trong lễ hội, mình mong muốn dân làng không quên cội nguồn và ước vọng về một cuộc sống tốt đẹp, đủ đầy”- A Thăk thủ thỉ.  

Tiễn tôi trong chiều muộn, khi làng Ba Cheng đã lấp lánh ánh điện, nghệ sĩ A Thăk lấy đàn ting ning ra gảy. Tiếng đàn ting ning quấn quýt theo chân tôi suốt quãng đường về.

Văn Nhiên - baokontum.com.vn

Số lượt xem:626
Bài viết liên quan:
Icon  Nghệ nhân mê nhạc cụ truyền thống
Icon  Thơm ngon rượu ghè nếp than Y Gar
Icon  Gia đình 3 thế hệ với nghề tạc tượng gỗ dân gian
Icon  Nghệ nhân ưu tú A Ling giữ mãi tiếng đàn T’rưng
Icon  Già làng A Huynh “giữ lửa” nghề đan lát truyền thống