Già làng A Huynh “giữ lửa” nghề đan lát truyền thống
5-12-2018

Nhìn đăm chiêu về phía bên kia Quốc lộ 24 đoạn qua làng Kon Slạc là cánh đồng lúa vừa mới bị trận mưa lớn tràn ngập hôm qua, già làng A Huynh sinh năm 1954, dân tộc Ba Na tâm sự: Già sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này đã 64 mùa lúa rồi, nhưng chưa thấy năm nào như năm nay mưa to và kéo dài đến thế. Với tuổi thơ chìm trong bom mìn lửa đạn, nên già không được học cái chữ. Vì vậy, nghề đan lát truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung và dân tộc Ba Na nói riêng là môn học đầu tiên của đời già đó.

Từ khi tuổi lên 3 lên 4, già đã được người cha của mình cho lên rẫy để bẫy con chim, con thú trong rừng, rồi sau đó học đan cái rổ, cái rá đựng rau măng rừng, tiếp theo khó hơn là đan cái gùi cõng củi, cõng lúa…

Già làng A Huynh rất giỏi về đan lát

Nhìn già làng A Huynh đan lát, chúng tôi thấy đôi tay của già vẫn nhanh thoăn thoắt, thành thạo từng đường đan và trong từng công đoạn, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho đến khâu cuối cùng thành sản phẩm.

Nguyên liệu dùng trong đan lát thường được già khai thác từ thiên nhiên ở rừng và rẫy như: tre, nứa, lồ ô…hoặc các loại dây leo như: mây, cói, dây rừng…. Ngoài ra, già còn sử dụng các loại vỏ cây mềm nhưng có độ dai rất tốt để làm đế hoặc dây quai cho sản phẩm.

“Để hoàn thành được một chiếc gùi có hoa văn độc đáo đòi hỏi người đan phải tốn ít nhất 2 ngày, còn đan gùi thông thường thì chỉ 1 ngày là xong và bán được từ 150-450 ngàn đồng/chiếc, tùy theo từng loại. Đối với một cái rổ, cái rá thì chỉ đan khoảng 2- 3 tiếng đồng hồ, lúc nào rảnh rỗi thì già đan, giá bán khoảng từ 20-25 ngàn đồng/cái, cũng tùy theo loại” - già làng A Huynh cho biết.

Chị Nguyễn Thị Hòa – Bí thư Chi bộ thôn 12, xã Đăk Ruồng nói: Già làng A Huynh rất giỏi về đan lát. Sản phẩm già đan rất đẹp bởi kiểu dáng và hoa văn trên từng sản phẩm rất tinh xảo và độc đáo của dân tộc Ba Na. Có lẽ nhờ sự khác biệt ấy, già đã trở thành một địa chỉ quen thuộc mỗi khi người dân ở các xã: Đăk Pne, Đăk Tờ Lung, Đăk Tờ Re... có nhu cầu đặt mua sản phẩm đan lát của già về dùng.

Tâm sự với chúng tôi, già làng A Huynh cho biết:  Già luôn vận động bà con nên tận dụng cây nứa, cây tre, cây lồ ô quanh rẫy nhà mình để chẻ ra làm nguyên liệu, sau đó già sẽ đến tận từng nhà truyền đạt lại cách đan lát đồ dùng phục vụ sinh hoạt cho gia đình. Nhờ đó, đến nay, trong làng đã có các ông như: A Tú, A Tranh ngoài 50 tuổi và nhiều thanh niên khác nữa như anh A Trường, chị Y Loan... cũng đan lát giỏi rồi.

Sản phẩm đan lát của già làng A Huynh làm ra chủ yếu đem bán cho các chị em trong làng và các làng lân cận, nên giá cả chưa ổn định.

Già làng A Huynh rất mong muốn, trong thời gian tới, các cấp, các ngành ở địa phương quan tâm, hỗ trợ để có thể duy trì và phát triển nghề đan lát truyền thống, giúp già cũng như bà con dân làng nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho lao động địa phương.

Nguồn: Trần Văn Phúc - Báo Kon Tum Online

Số lượt xem:761
Bài viết liên quan:
Icon  Gia đình 3 thế hệ với nghề tạc tượng gỗ dân gian
Icon  Nghệ nhân ưu tú A Ling giữ mãi tiếng đàn T’rưng